“CHỐNG THAM NHŨNG LÀM TRÌ TRỆ PHÁT TRIỂN KINH TẾ” LÀ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRƠ TRẼN

Mới đây, một số tổ chức và đối tượng chống đối bên ngoài đăng nhiều bài viết có nội dung đả kích, xuyên tạc về đội ngũ cán bộ và chống tham nhũng ở Việt Nam rằng: Những người đứng đầu các cơ quan nhà nước đang “nêu gương đạo đức giả" trước người dân, “tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tràn lan là “do hư hỏng từ những người đứng đầu”, đấu tranh chống tham nhũng chỉ “tắm từ vai xuống", thực chất là "cuộc chiến phe phái"…

Cùng với đó, chúng đã cố tình vu khống, bôi nhọ danh dự, đạo đức của cán bộ cấp cao trong Đảng, Nhà nước. Dựa vào những thông tin lượm lặt đưa ra những cái gọi là “sự kiện” nhảm nhí tung tin về cán bộ lãnh đạo A, B nào đó đang bị giam lỏng do “bị nhúng chàm” hoặc chống lại phe phái đối lập. Cho rằng, hầu hết lãnh đạo đều dính đến tham nhũng, số còn lại do “thế hèn sức mọn” nên né tránh, bỏ bê công việc, không dám đấu tranh với các “tập đoàn tham nhũng”…

 Bên cạnh đó, tiếp tục đưa ra luận điệu vu cáo cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là "bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ” và đưa ra hình ảnh mỉa mai "sâu to bắt sâu nhỏ”. Dùng những cuộc phỏng vấn với số bất mãn, chống đối, người mà chúng cho là "người yêu nước” với lời lẽ bịa đặt cho rằng "người dân Việt Nam mất niềm tin vào những người lãnh đạo đất nước"...Ngày 5-11-2023, fanpage Việt Tân đăng bài viết “Vì sao Việt Nam chậm phát triển”, “ Đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam, một đất nước với bề dày lịch sử và văn hóa, lại chậm chạp trên con đường phát triển?”. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “quái thai”, “là mô hình chưa từng có”. Từ đó, lên mặt khuyên răn Việt nam phải thế này, thế kia…  

Đây là những luận điệu xuyên tạc, thể hiện sự ấu trĩ về tư duy, đưa ra thông tin mập mờ, thật – giả lẫn lộn, những đánh giá thiếu khách quan nhằm đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là yêu cầu cấp thiết có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của chế độ. Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”.

Thực tế những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt những kết quả đột phá với  nhiều vụ án được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nhận rõ tham nhũng, tiêu cực đều có bóng dáng của bộ phận cán bộ lãnh đạo nên Đảng ta đã chỉ đạo kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, không để lọt người vi phạm và những biểu hiện làm ngơ, bao che, tiếp tay cho tham những. Giai đoạn 2012-2022, đã kỷ luật hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý và hàng loạt cán bộ lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã chỉ đạo xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cho thôi chức vụ, nghỉ công tác... nhiều lãnh đạo cấp cao và được công khai trên thông tin đại chúng. Như vậy, không thể nói đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam là "bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ" hay “tắm từ vai xuống” như luận điệu được rêu rao.

 Cần phải khẳng định, số cán bộ bị xử lý chỉ là một bộ phận, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Số cán bộ lãnh đạo các cấp phần lớn gương mẫu trong trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đa số người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khác hẳn những gì mà các đối tượng thù địch rêu rao, xuyên tạc. Họ không chỉ là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, cấp dưới noi theo, mà còn thường xuyên giáo dục, chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Thử hỏi, nếu cán bộ nào cũng tham nhũng, tiêu cực thì Việt Nam có giữ được sự ổn định, vững mạnh, phát triển đất nước như ngày hôm nay? Đất nước Việt Nam có bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự để trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hay không?

Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực xã hội mà chế độ, nhà nước nào cũng có. Đó là khuyết tật bẩm sinh của mặt trái của kinh tế thị trường và bản năng cố hữu của con người. Tham nhũng là vấn nạn ở cả những quốc gia giàu có, được coi là trong sạch và kiểm soát tham nhũng tốt nhất. Cách nhìn về tham nhũng và chống tham nhũng ở Việt nam được khuếch đại chẳng qua là nằm trong âm mưu chống phá. Về chỉ số phát triển theo phân loại của Tổ chức Thương mại thế giới thì có 3 tiêu chí để xác định một quốc gia kém phát triển: Mức thu nhập thấp, nguồn lực con người nghèo nàn và nền kinh tế dễ bị tổn thương. Nếu tính tổng thu nhập quốc dân trên đầu người vượt 756 USD/năm thì quốc gia đó không bị coi là nước nghèo và danh sách các quốc gia nghèo, kém phát triển của Liên hợp quốc hiện nay không có Việt Nam. Theo thống kê, GDP năm 2022 tăng trưởng 8,02%, bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Như vậy,Việt nam thuộc các nước đang phát triển, thu nhập mức trung bình. Với quy mô GDP tương đương 409 tỷ USD, thuộc nhóm có tên trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhìn vài chỉ số như vậy để thấy được đất nước đã có những chuyển biến vượt bậc, không thể phủ nhận.

 Không tự “mèo khen mèo dài đuôi” nhưng có thể khẳng vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được cộng đồng quốc tế. Đánh giá của Liên hợp quốc, các tổ chức kinh tế thế giới đều chung thừa nhận và xem Việt nam là điểm sáng trên bản đồ thế giới… Cố tình xuyên tạc, phủ nhận và đánh giá Việt Nam chậm phát triển là do tham nhũng, “chống tham nhũng nửa vời”… Đó chẳng qua là âm mưu kích động, dẫn dắt dư luận, tạo nên phản ứng chống đối. Những luận điệu đó hoàn toàn thiếu khách quan với mục đích chống phá cần phải bác bỏ.

 NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA